Sẽ xử nghiêm người cố tình lấn làn riêng của buýt BRT khi đường thông thoáng

    Lực lượng CSGT tại một điểm kiểm tra cho biết, trong ngày thứ hai tiến hành xử phạt phương tiện lấn làn dành riêng cho xe buýt BRT, lượng người vi phạm đã giảm đáng kể...

    Ngày 15/2, CSGT các đội số 2, 3, 7 thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt Hà Nội đã lập tổ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến có làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT.

    Ngoài giờ cao điểm, lực lượng này xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó có việc lấn làn BRT. Cụ thể, mức phạt là 300.000 đến 400.000 đồng với xe máy và 800.000 đến 1.200.000 đồng đối với ô tô.

    Sau 1 ngày ra quân thực hiện, 48 trường hợp đã bị xử lý, trong đó chủ yếu là xe máy.

    Chia sẻ với PV, một tài xế xe buýt BRT cho hay, từ ngày buýt nhanh bắt đầu chạy đến nay, hiện tượng các phương tiện khác lấn làn vẫn xảy ra thường xuyên. Sau ngày hôm qua, khi bắt đầu thực hiện xử phạt thì đến hôm nay, tình trạng này cũng đã được giảm bớt. Vào giờ cao điểm thì không thể tránh khỏi, nhưng khi ngoài những điểm thì vẫn có số ít phương tiện lấn làn, gây cản trở lộ trình của xe buýt nhanh.

    Vẫn có nhiều phương tiện cố tình vi phạm khi ngoài tầm kiểm soát của CSGT. Ảnh: Nông Thuyết

    Vẫn có nhiều phương tiện cố tình vi phạm khi ngoài tầm kiểm soát của CSGT. Ảnh: Nông Thuyết

    Theo ghi nhận của phóng viên vào ngoài giờ cao điểm trong sáng 16/2, vẫn có nhiều phương tiện cố tình vi phạm, kể cả ở những điểm giao có chốt CSGT kiểm tra cố định.

    Tại ngã tư Giảng Võ giao Láng Hạ vẫn có nhiều người vi phạm lấn làn của buýt nhanh BRT, CSGT tại đây phải liên tục ra xử lý. Chủ yếu, các chủ phương tiện vì cố tình lấn làn để vượt lên, có trường hợp thì cố tình rẽ trái (sai làn đường) nên "tranh thủ" tạt qua phần đường dành cho buýt nhanh.

    Khi được nhắc nhở, các chủ phương tiện đã nhận ra sai sót của mình và hợp tác làm thủ tục xử lý vi phạm, một số người khác thì năn nỉ, xin được bỏ qua nhưng rồi cũng phải ngậm ngùi chấp hành xử phạt.

    Một trường hợp vì chở hàng cồng kềnh nên cố tình lấn vào làn BRT. Ảnh: Nông Thuyết

    Một trường hợp vì chở hàng cồng kềnh nên cố tình lấn vào làn BRT. Ảnh: Nông Thuyết

    Anh Phạm Văn T, một người điều khiển xe máy vi phạm cho biết: "Được biết đến quy định cấm này khác lâu rồi nhưng do mình chở hàng cồng kềnh nên đến gần đây thì có lách sang một chút, một đoạn ngắn thôi thôi, thế là lấn làn rồi".

    Một trường hợp khác thì vi phạm do cố tình vượt lên để rẽ trái (sai làn đường) nên đã lấn sang làn của buýt BRT. Khi được nhắc nhở và chỉ ra lỗi vi phạm, anh cũng ý thức được hành vi của mình: "Do tôi muốn rẽ trái chiều luôn nên mới tạt sang làn BRT, mình sai rồi thì phải chịu thôi".

    Chị Nguyễn Lan Anh (32 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Thực tế là chỉ có điểm kiểm tra thì đỡ thôi, chứ ngoài tầm CSGT thì nhiều người vẫn lấn sang để vượt. Tôi đi làm ở Giảng Võ nên ngày nào cũng phải qua trục đường Láng Hạ, từ trước đã biết quy định cấm nhưng vẫn hay đi lấn qua do sợ muộn giờ làm. Hôm qua thấy có CSGT nhắc nhở, xử lý nhiều người nên bản thân mình cũng sẽ phải biết tuân thủ nghiêm túc hơn".

    Sáng 16/2, Thượng úy Vũ Đức Hùng (Tổ trưởng tổ chuyên đề Đội CSGT số 3, kiểm soát trên tuyến phố Láng Hạ) cho biết: Sáng nay, điểm kiểm tra đã xử lý khoảng 7-8 trường hợp vi phạm lấn làn BRT. Nhìn chung, lượng người vi phạm lấn làn xe buýt BRT đã giảm đáng kể so với ngày 15/2. Trong giờ cao điểm, lượng phương tiện lưu thông lớn thì CSGT tập trung phân làn, nhắc nhở, tuyên truyền là chính. Tuy nhiên, ngoài giờ cao điểm thì vẫn nhiều người cố tình lấn làn trong khi khi đường rất thông thoáng, những trường hợp như vậy thì CSGT nghiêm khắc xử lý.

     

    Theo Giadinh.net.vn