U23 Việt Nam và giấc mơ vàng SEA Games

    Đã hơn nửa thế kỷ, từ ngày bóng đá Việt Nam vô địch một kỳ SEA Games, đó là ngày hội thể thao khu vực lần đầu được tổ chức. Chính xác hơn là SEAP Games lần 1 năm 1959 ở Thái Lan, và đó là lần duy nhất đến bây giờ.

    Đã hơn nửa thế kỷ, từ ngày bóng đá Việt Nam vô địch một kỳ SEA Games, đó là ngày hội thể thao khu vực lần đầu được tổ chức. Chính xác hơn là SEAP Games lần 1 năm 1959 ở Thái Lan, và đó là lần duy nhất đến bây giờ.

     

    Mới đó mà nhanh, cuộc đời bãi biển nương dâu, đã làm đổi thay nhiều thứ. Bao thế hệ cầu thủ qua đi, chúng ta vẫn đau đáu về tấm HCV môn bóng đá nam ở mỗi kỳ SEA Games được tổ chức. Đã có lúc rất gần, tưởng như chạm tay vào đó, nhưng rồi xa tít tắp.

    54 năm trước, trong trận cầu giao hữu cùng ĐT Nhật Bản tại Sài Gòn trước lúc lên đường đi SEAP Games, ĐT miền Nam Việt Nam đã thắng 3-0. Giai thoại kể rằng trong buổi chiêu đãi tại ngày đó, Đại sứ Nhật Bản ở Sài Gòn đã tặng Tổng cục Túc cầu miền Nam một đôi giày nhỏ rồi ví von: “Bóng đá Nhật nhỏ bé như đôi giày này, và mong một ngày sánh vai cùng bóng đá Việt Nam…!”

    Sau chừng ấy năm, người Nhật đang ở đâu và chúng ta ở đâu, không chỉ chuyện thể thao mà còn nhiều chuyện khác nữa. Họ đã đi xa hơn chúng ta, thế mới thấy cầu tiến và cầu thị đúng nghĩa, không dễ làm và cũng không dễ thành công. Câu chuyện đôi giày nhỏ đã nhắc nhớ nhiều về chặng đường đã qua cùng những tiếc nuối.

     

     

    Thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc nhận nhiệm vụ từ VFF là phải có mặt trong trận chung kết SEA Games 27. Ảnh: VSI

     
     
    Hồi đó, những cái tên Phạm Văn Rạng, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Văn Ngôn, hay Hà Tam… nổi danh cả châu Á. Thắng Nhật Bản, Israel, Thái Lan, hay Hàn Quốc là chuyện bình thường. Những người bạn Hàn Quốc hay Nhật Bản bây giờ đã là khách quen của mỗi kỳ World Cup, còn chúng ta vẫn mãi quẩn quanh bên cái ao làng, vốn dĩ thấp, ngày càng trũng thêm.

    Cứ mỗi lần SEA Games, lại đặt chỉ tiêu vàng, ít ra cũng vào chung kết. Vàng chưa thấy, còn chung kết không biết tháng 12 này có vào nổi nữa không. Chúng ta sa sút trong chính chúng ta. Lại nhớ cái thời những tin thắng trận vang dội ở Chiang Mai (Thái Lan năm 1995) dội về náo nức, một Tiger Cup 98 bừng khởi sân nhà. Ngày đó qua nhanh. Ngày đó là những đêm không ngủ xuống đường trong men say chiến thắng, cả những xúc cảm dạt dào. Ngày đó trẻ con nhiều miền quê khoác áo in tên Hồng Sơn, Huỳnh Đức ra đường.

    Bao nhiêu năm là bấy nhiêu giấc mơ vàng tan theo mây gió. Cả những không khí u ám mà nhiều chuyện lùm xùm mang lại. Chẳng thấy niềm vui, để có thể ít nhiều tạo ra hứng khởi đại tu nền bóng đá nước nhà. Nhều câu hỏi dang dở. Do cái gì? Cơ chế, con người, tầm nhìn, khát khao, hay năng lực? Cũng có thể là tất cả.

     

    Non 10 ngày nữa, các cầu thủ trẻ lại lên đường, cho những mục tiêu và kỳ vọng, như nhiều lần trước đó. Xin hãy nhớ câu chuyện chiếc giày của người Nhật năm xưa. Chí ít cũng đá đường hoàng, đá để gây dựng niềm tin. Đó là thứ rất cần, và cũng rất quý cho những ước mơ.
     
     
    Theo Docbao.vn