Bạo lực nhờn thuốc: Có lỗi của VFF

    Trường hợp hối lỗi của Quế Ngọc Hải đáng ghi nhận nhưng VFF phải xem lại cách xử phạt theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, thiếu tính răn đe đối với nhiều trường hợp, dẫn đến nạn bạo lực sân cỏ mùa nào cũng có

    Trường hợp hối lỗi của Quế Ngọc Hải đáng ghi nhận nhưng VFF phải xem lại cách xử phạt theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, thiếu tính răn đe đối với nhiều trường hợp, dẫn đến nạn bạo lực sân cỏ mùa nào cũng có

     

    Xuất hiện trên truyền hình K+ với tư cách khách mời sáng 21-9, trung vệ Quế Ngọc Hải thẳng thắn thừa nhận đã có hành vi phi thể thao với đồng nghiệp Anh Khoa và chính cầu thủ SLNA cũng không dám xem lại pha bóng rợn người đó ở vòng 25 Toyota V-League 2015.

     

    Hải đã biết sợ nhưng điều đó không ngăn được V-League có khuynh hướng bạo lực hơn, một phần không nhỏ vì sự nương nhẹ của Ban Kỷ luật VFF. Đơn cử trường hợp của Quế Ngọc Hải, ngay cách xử phạt của VFF cũng tạo nên sự khó hiểu, khi mức án kỷ luật được đưa ra theo kiểu chẳng giống ai. Về thời hạn treo giò thì có phần nương tay, chỉ cấm đá các giải trong nước 6 tháng, còn đội tuyển vẫn được thi đấu nếu HLV Miura muốn triệu tập. Ngược lại, thay vì ra hẳn một quyết định bắt Ngọc Hải nộp phạt một số tiền nhất định, VFF lại yêu cầu trung vệ SLNA phải lo toàn bộ viện phí trong quá trình chữa trị cho đồng nghiệp của SHB Đà Nẵng, kể cả khi Anh Khoa phải sang Singapore hoặc… Mỹ mổ gối với chi phí cực kỳ đắt đỏ.

     

     
    Văn Nam là một trong những hậu vệ bị án treo giò nhiều nhất V-League 2 mùa quaẢnh: Hải Anh

     

    Nhìn vào thống kê thẻ phạt ở V-League, 2 mùa gần đây, lãnh đạo CLB SLNA luôn tự hào đứng trong tốp 5 CLB bị phạt thẻ vàng ít nhất. Vấn đề là những tình huống bạo lực nổi cộm đều có thành viên đội bóng xứ Nghệ “góp mặt” nên cứ xảy ra chuyện thì dư luận lập tức điểm tên SLNA.

     

    Mùa giải 2004, hậu vệ Nguyễn Văn Nam của Hải Phòng suýt khiến trận cầu đinh giữa Hải Phòng và Hà Nội T&T bị “vỡ” với tình huống đá nguội tiền đạo Samson khi cầu thủ người Nigeria đang nằm ở tận ngoài đường biên. Ban Kỷ luật VFF lập tức treo giò Văn Nam hết giai đoạn còn lại của V-League 2014, tức là 7 vòng đấu. Thế nhưng, án phạt đó cũng chẳng thức tỉnh nổi cầu thủ trẻ có bản tính hung hăng này. Ở vòng 21 V-League 2015, cũng với một tình huống “bỏ bóng đá người” quen thuộc với tiền đạo Mạc Hồng Quân của Than Quảng Ninh, Văn Nam bị đuổi khỏi sân trong tiếng la ó của khán giả và phản ứng dữ dội của đồng nghiệp. Vậy mà rốt cuộc hậu vệ người Hải Phòng chỉ nhận án treo giò hết giải, tương đương 5 trận. Không hiểu Ban Kỷ luật VFF nghĩ gì khi ra một án phạt quá nhẹ như vậy, thay vì phải xem xét loại vĩnh viễn Văn Nam khỏi đời sống bóng đá chuyên nghiệp, nhất là khi cầu thủ này 2 năm liền vi phạm cùng một lỗi đầy nguy hiểm.

     

    Ngán ngẩm với bạo lực, cách khán giả nhiều tỉnh, thành rồng rắn đi xem đội bóng trẻ HAGL, bất kể trên sân khách hay tại Pleiku đã phần nào phản ánh thái độ của người hâm mộ Việt Nam. Họ chấp nhận một nghịch lý đội có thể rớt hạng thì luôn đông khán giả, còn đội vô địch thì huy động cách nào cũng không thể đông người xem bằng, vì đơn giản, khán giả ngán ngẩm với bóng đá bạo lực và đôi lúc có những trận bị nghi ngờ về độ trung thực.

     

    Theo nld.com.vn