
Hơn 95% ủng hộ, Crimea nộp đơn gia nhập Nga
Theo kết quả sơ bộ, 95,5% trong hơn 50% số phiếu đã được kiểm ủng hộ việc sát nhập Crimea vào Nga, chỉ khoảng 3,5% cử tri chọn ở lại Ukraine.
Theo kết quả sơ bộ, 95,5% trong hơn 50% số phiếu đã được kiểm ủng hộ việc sát nhập Crimea vào Nga, chỉ khoảng 3,5% cử tri chọn ở lại Ukraine.
Cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea đã kết thúc vào lúc 20 giờ ngày 16-3 (giờ địa phương). Trong một tuyên bố được đưa ra khoảng 2 giờ sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, người đứng đầu Uỷ ban trưng cầu ý dân của Crimea Mikhail Malyshev cho biết số cử tri đi bỏ phiếu đạt tới 83%, khoảng 1 % phiếu bầu không hợp lệ.
Trong khi đó, theo kênh truyền hình RT (Nga), với kết quả sơ bộ trong đó phiếu ủng hộ chiếm gần như tuyệt đối này, khả năng Crimea quyết định sáp nhập vào Nga gần như là chắc chắn. Kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý đã được công bố trong một cuộc họp ở trung tâm Sevastopol, thành phố có căn cứ của Hạm đội Biển Đen của Nga.

Hiện Uỷ ban trưng cầu ý dân chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào. Ảnh: REUTERS

Người dân ăn mừng và vẫy cờ Nga sau khi có kết quả sơ bộ ở thành phố Sevastopol hôm 16-3. Ảnh: REUTERS
Hôm 16-3, Thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov thông báo chính quyền khu vực này sẽ chính thức nộp đơn xin sáp nhập vào Nga trong ngày 17-3. Trước đó, ông Aksyonov nói rằng tiến trình hội nhập vào Nga sẽ mất khoảng 1 năm nhưng cũng có thể được đẩy nhanh hơn. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ nguyện vọng rằng muốn duy trì quan hệ kinh tế với Ukraine.
Tuần tới, Crimea chính thức đưa đồng rúp vào sử dụng song song với đồng hryvna của Ukraine. Hai loại tiền tệ này sẽ được lưu hành song song trong khoảng 6 tháng trước khi đổi sang sử dụng đồng rúp là tiền tệ chính thức.
Sau khi bán đảo Crimea công bố kết quả sơ bộ, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm đầu tiên về tính hợp pháp của hoạt động này. Nhà Trắng cho biết ông Obama nhấn mạnh Crimea trưng cầu dân ý là vi phạm hiến pháp Ukraine, xảy ra dưới sự cưỡng ép bằng quân sự của Nga, sẽ không bao giờ được Mỹ và cộng đồng quốc tế công nhận. Hơn nữa, Tổng thống Obama còn cảnh báo Moscow sẽ phải trả giá. “Nga có thể đối mặt với các kế hoạch trừng phạt trong những ngày tới”, cố vấn cao cấp của Nhà Trắng Dan Pfeiffer phát biểu trên kênh NBC.
Phát biểu với tờ Komsomolskaya Pravda, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói rằng ông Putin không hề tiếc nuối việc các đối tác trong nhóm G8 loại Nga ra khỏi nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới, coi đó là biện pháp trừng phạt nếu Nga sáp nhập Crimea thuộc Ukraine. Trả lời câu hỏi liệu nhà lãnh đạo nước Nga có chút tiếc nuối nào về việc G8 có thể loại Moscow, ông Peskov đáp: “Không hề”.
Ở Kiev, Thủ tướng Arseny Yatseniuk đe dọa các chính trị gia Crimea – những người kêu gọi ủng hộ bỏ phiếu sát nhập Nga – sẽ phải đối mặt với hậu quả thảm khốc. Ông này nói rằng các nhà lãnh đạo ly khai của Crimea là “những kẻ đầu sỏ” muốn phá hủy sự độc lập của Ukraine “dưới sự che chở của quân đội Nga”.
“Chúng tôi sẽ tìm thấy tất cả họ cho dù phải mất 1 thậm chí 2 năm. Chúng tôi sẽ đưa họ ra trước công lý, xét xử ở các tòa án Ukraine và quốc tế. Đất sẽ cháy dưới chân họ” - ông Yatsenyuk phát biểu trước một cuộc họp nội các. Ông Yatsenyuk vừa trở về sau chuyến thăm Mỹ, nơi ông nhận được sự ủng hộ bằng lời nói của Washington nhưng bị từ chối viện trợ vũ khí.
Đối với Liên hiệp châu Âu (EU), hoạt động trưng cầu dân ý tại Crimea đã biến quan hệ EU - Nga từ đối tác trở thành kẻ thù ngoại giao nhưng EU ngày càng nhận ra rằng khó có thể đảo ngược tình hình. Anh, Pháp và Đức lặp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Anh William Hague rằng Moscow sẽ phải đối mặt với những hậu quả kinh tế và chính trị.
Theo nld.com.vn