Bước leo thang mới của Nhật – Trung trên biển

    Trung Quốc tố cáo máy bay Nhật do thám cuộc tập trận Nga-Trung trong khi Nhật Bản phản đối Trung Quốc cho tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước này.

    Trung Quốc tố cáo máy bay Nhật do thám cuộc tập trận Nga-Trung trong khi Nhật Bản phản đối Trung Quốc cho tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước này.

     

    Đài NHK của Nhật Bản hôm qua đưa tin các quan chức bảo vệ bờ biển nước này nói rằng một tàu Trung Quốc dường như đã tiến hành một cuộc khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Một tàu tuần tra bảo vệ bờ biển của Nhật Bản đã phát hiện một tàu Trung Quốc vào lúc 6h40 chiều thứ bảy ở phía tây nam đảo Yonaguni – Okinawa.

    Cảnh sát biển Nhật báo họ đã nhìn thấy một người trên tàu Trung Quốc ném một vật gì đó xuống biển từ phía đuôi tàu. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật đã ra lệnh cho con tàu dừng lại. Khoảng 1h sau, tàu Trung Quốc lấy vật đã ném từ dưới biển lên và rời khu vực lúc 8h tối. Hồi tháng 4, một tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản trong 13 ngày liên tiếp.

    Bước leo thang mới của Nhật – Trung trên biển - Ảnh 1

    Máy bay Su-27 của Trung Quốc bay đến gần các máy bay của Nhật trên biển Hoa Đông. Ảnh Reuters/Straitstimes

     

    Trong khi đó, Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm nay tố Nhật Bản đã xâm nhập vào không phận của cuộc tập trận Nga – Trung trên biển Hoa Đông. Hãng tin Trung Quốc dẫn lời Bộ Quốc phòng TQ gọi đây là hành động nguy hiểm và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

    Cũng theo Tân Hoa Xã, hai máy bay của Nhật thuộc loại OP3C và YS11EB đã bay vào vùng không phận của cuộc tập trận để trinh sát. Máy bay Trung Quốc đã được lệnh cất cánh và đã bay đến rất gần các máy bay Nhật.

    Liên quan vụ này, truyền thông Nhật Bản cho hay chính phủ nước này cũng phản đối hành động của Trung Quốc khi cho máy bay tiến đến rất gần máy bay Nhật. NHK đưa tin, chính phủ Nhật gọi hành động của Trung Quốc là nguy hiểm.

    Các căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông đã xuất hiện từ lâu vì tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong tháng 5 này, căng thẳng lại gia tăng sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông đồng thời tuyên bố tập trận chung với Nga ở biển Hoa Đông.

    Phía Nhật đã lập tức có một chuỗi hành động đáp trả gồm từ phát biểu bày tỏ lo ngại tình hình Biển Đông và tích cực tiếp xúc với các nước trong khu vực để thảo luận về an ninh trên biển cho đến tiến hành tập trận tái chiếm đảo vào hôm 22/5. Mặc dù không chỉ đích danh song ai cũng hiểu thâm ý của lực lượng Nhật khi luyện tập cho binh sĩ phản kích đánh chiếm lại đảo bị chiếm là nhằm đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc.

     

    Theo Nguoiduatin.vn