Nhà băng cần “bơm” vốn để hạ nhiệt lãi vay

    Chênh lệch lãi suất trong ngân hàng đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2013. Để giảm được lãi suất cho vay, các ngân hàng cần được bơm thêm một nguồn vốn lãi suất thấp ưu đãi từ Ngân hàng Nhà nước.

    Chênh lệch lãi suất trong ngân hàng đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2013. Để giảm được lãi suất cho vay, các ngân hàng cần được bơm thêm một nguồn vốn lãi suất thấp ưu đãi từ Ngân hàng Nhà nước.

     

     

    Đề xuất này được các chuyên gia của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra tại Báo cáo tình hình kinh tế 9 tháng và tháng 9/2014.

     

    Bơm vốn rẻ để giảm lãi vay

     

    Số liệu của NHNN về tình hình hoạt động ngân hàng tuần cuối tháng 9/2014 cho thấy, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường mà các nhà băng đang áp dụng vẫn ở mức khoảng 9-10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5-12%/năm đối với trung và dài hạn.

     

    Trong khi đó, mức lãi đầu vào liên tục giảm thời gian qua. Kỳ hạn gửi 1 tháng và dưới 6 tháng tại các nhà băng bình quân ở mức 5-6%/năm; lãi suất 6-7,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và kỳ hạn trên 12 tháng 7,3-7,8%/năm.
     

    Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm các ngân hàng công bố, mức chênh lệch lãi suất 6 tháng đầu năm 2014 của hầu hết các ngân hàng đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Số liệu từ 15 TCTD cho thấy, tỷ lệ chênh lệch lãi suất bình quân trong 6 tháng đầu năm đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2013.
     

    "Chênh lệch lãi suất toàn ngành ngày càng giảm ảnh hưởng đến năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD), cũng như khả năng trích lập dự phòng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng” - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá.
     

    Trên cơ sở ổn định vĩ mô đang được đảm bảo, nhất là lạm phát có xu hướng giảm, cơ quan này đề xuất, NHNN cần xem xét cung cấp nguồn vốn với lãi suất thấp ưu đãi cho các TCTD nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay mà không ảnh hưởng đến chênh lệch lãi suất của toàn hệ thống. Con số cụ thể cần “bơm” là bao nhiêu, không được các chuyên gia của Ủy ban Giám sát tài chính nêu cụ thể.
     
     
     
     
    Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh tại các ngân hàng hiên vẫn ở mức trên 10%/nămPhải có cơ chế đặc biệt cho VAMC
     

     

     

     

    Riêng với câu chuyện xử lý “cục máu đông” đang làm “tắc” dòng vốn trong hệ thống ngân hàng, tiến độ xử lý nợ xấu chậm hơn so với kỳ vọng do lợi ích của việc bán nợ xấu cho VAMC theo cơ chế hiện hành chưa đủ mức khuyến khích TCTD tích cực bán nợ xấu cho VAMC. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang thấp hơn đáng kể lãi suất tái cấp vốn đối với lãi suất trái phiếu của VAMC.
     

    Thêm vào đó, tiến độ phát mại tài sản đảm bảo phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường bất động sản. Quan trọng hơn, thủ tục tố tụng, thi hành án kéo dài, nhiều rủi ro cùng với thủ tục phát mại rườm rà phức tạp là một trong những nguyên nhân kéo dài tiến độ xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng.

     

    Vì thế, cơ quan tư vấn giám sát tài chính của Chính phủ cho rằng, cần sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước để Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) mua nợ xấu.

     

    Trường hợp không tạo nguồn tài chính Nhà nước để xử lý nợ xấu, thì kéo dài thời hạn tái cấp vốn trái phiếu đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho các TCTD có thêm nguồn vốn dài hạn rẻ, từ đó mạnh dạn cung tín dụng dài hạn cho khu vực tư nhân, qua đó khuyến khích TCTD bán nợ cho VAMC. 

     

     

    Cùng với đó, ban hành cơ chế đặc biệt về phát mại tài sản đảm bảo cho VAMC theo hướng tăng quyền cho VAMC quyết định phát mại tài sản, tổ chức đấu giá tài sản và các thủ tục tố tụng, thi hành án nhằm rút ngắn thời gian xử lý nợ, giảm chi phí xử lý nợ.

     

    Theo Docbao.vn