Xem show truyền hình hài mà... “Phát khóc”?

    Sự nở rộ của các chương trình truyền hình thực tế hài dẫn dắt khán giả tò mò và hứng thú chưa lâu đã vội “quay đầu, ngoảnh mặt”. Ép dầu ép mỡ chứ ép cười thì quả là gượng gạo. Tiếng cười cũng có 36 kiểu: Loại sâu cay thâm thúy, loại nhẹ nhàng tinh tế, loại thư giãn sảng khoái, nhưng… cười kiểu gây phản cảm thì tất nhiên khó tồn tại lâu.

    Sự nở rộ của các chương trình truyền hình thực tế hài dẫn dắt khán giả tò mò và hứng thú chưa lâu đã vội “quay đầu, ngoảnh mặt”. Ép dầu ép mỡ chứ ép cười thì quả là gượng gạo. Tiếng cười cũng có 36 kiểu: Loại sâu cay thâm thúy, loại nhẹ nhàng tinh tế, loại thư giãn sảng khoái, nhưng… cười kiểu gây phản cảm thì tất nhiên khó tồn tại lâu.

     

    Đặt lời lung tung, gây cười phản cảm

     

    Ai cũng biết yếu tố quan trọng làm nên sức hút của nhiều chương trình truyền hình thực tế là sự dí dỏm, tính hài hước để khán giả thư giãn. Những kênh truyền hình trong nước “bùng nổ” các show hài: Hài thực tế, tiểu phẩm hài, cuộc thi có tính chất hài…

     

    Tuy nhiên, còn tồn tại chương trình chọc cười mà khán giả cười không nổi. “Cười là thua” là game show thuần giải trí phát trên sóng của Đài truyền hình TP. HCM (kênh HTV7). Trong chương trình có hai đội tham gia thi (mỗi đội hai nghệ sĩ hài) phải chọc cho khán giả cười. Nếu khán giả cười thì đội đó sẽ ghi điểm. Nhiều khán giả đã không giấu nổi thất vọng khi xem những màn chọc cười của nghệ sĩ đối với các khán giả: “Chỉ vài lời nói, vài hành động đôi khi không ăn nhập mà bắt khán giả cười thì quả là nhảm”.

     

    Sự ra đời của vô số chương trình hài khiến các chương trình không phải là “hài” cũng chọn màu sắc hài. ”Cặp đôi hoàn hảo” (21g chủ nhật hằng tuần trên VTV3)  mùa thứ 3 rõ ràng đang bị ảnh hưởng bởi cơn lốc mang tên “gây cười”. Các cặp đôi tham gia đang “nổi” lên bởi những chiêu trò hơn là cuộc thi hát dành cho những người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Không nổi bật về độ nổi tiếng của thí sinh, không nổi bật về giọng hát, “Cặp đôi hoàn hảo” năm nay dường như đang muốn thu hút khán giả qua tiếng cười. Thanh Bạch làm giám khảo. Cát Phượng được chọn làm MC. Những clip giới thiệu đều đậm chất hài. Nhưng ca sĩ chuyên nghiệp hay các thí sinh diễn hài... cười không nổi!

     

    Cặp thí sinh Nam Cường và Quế Vân khi hát còn cố ý tạo nên tiếng cười bằng việc sáng tác thêm, đưa vào trích đoạn Chuyện tình Lan và Ðiệp đoạn rap thoại giữa Lan và Ðiệp: “Yêu em anh không đòi quà mà em cần gì anh cũng sẽ chi. Một chiếc Audi, một túi LV hay là ta xách vali, cùng tới Bali, mình đi du hí - Em không cần gì, chỉ cần tình si, miễn là anh đừng có bồ nhí”. “Sáng tạo” này quá lố, đến mức gây phản cảm và đang gặp phải sự phản đối kịch liệt của khán giả... Chưa hết, cuối tiết mục này, khán giả phải chứng kiến thêm một “trò lố” nữa: Nam Cường (trong vai Điệp) diễn cảnh bị Thúy Liễu ôm chặt đến mức phải quát lên: “Con nhỏ này, buông tay ra coi”. Lúc đó, Quế Vân liền đáp: “Mồm thì Lan, mà tay thì Liễu”. Và như chưa từng có cảnh diễn bị lố, bị phô, bị vô duyên trước đó, những câu hát kinh điển lại vang lên: Điệp tìm đến đây với nỗi nhớ thương, với lòng hối hận, dù mối tình xưa Điệp không vong phụ bao giờ…

     

    “Ơn giời, cậu đây rồi!” được xem là một luồng gió mới khi lần đầu tiên hài trở thành show truyền hình thực tế mới mẻ lên sóng VTV3. Với một dàn danh hài nổi tiếng tham gia chương trình: Hoài Linh, Việt Hương, Chí Tài, Trấn Thành, Xuân Bắc, Tự Long, Cồng Lý, Trường Giang… và những người chơi cũng nổi tiếng không kém, chương trình đã tạo được điểm nhấn nhất định trong những tập đầu lên sóng. Nhưng ở những số gần đây, “Ơn Giời, cậu đây rồi!” đang làm khán giả “choáng” về nhiều tình huống thô, có tính bạo lực và nhiều hành động gây tranh cãi của các trưởng phòng (nghệ sĩ trong vai thử thách người chơi). Phân cảnh Việt Hương đóng vai bà Ba nhà Bá Kiến, Phi Thanh Vân trong vai cô gái sexy hay những tình huống “cưỡng hôn” của Trấn Thành với Hari Won, Việt Hương với Trương Nam Thành đang khiến không ít khán giả bối rối. Bởi những phân cảnh và các tình huống đó nhiều khi “tục”, chỉ phù hợp với “người lớn”. Và tiếng cười tạo ra sau những tình huống hơi “thô” đó quá sức gượng gạo. Khán giả cười đấy xong lại hối hận vì mình đã cười. Những tình huống nhàn nhạt đang nhiều và làm khán giả vơi bớt cảm tình với chương trình.

     

     

    Nam Cường – Quế Vân cố gây cười trong chương trình “Cặp đôi hoàn hảo” nhưng bị phản ứng dữ dội.     Ảnh: TL

     

    Đừng ỉ vào dàn diễn viên hài

     

    Diễn viên hài của cả hai miền Nam – Bắc đang được huy động tối đa vào các show hài. Nghệ sĩ Hoài Linh phủ sóng dày đặc trong các vai trò khác nhau ở nhiều show hài. Người ta thấy anh chạy sô trong vai trò giám khảo của các chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”, “Ơn giời, cậu đây rồi!”, “Gương mặt thân quen nhí” và phim tết. Hình ảnh của anh cứ quay đi quay lại liên tiếp trên sóng nhà đài những ngày cuối tuần. Vì vậy, có vẻ anh mệt mỏi, anh có dấu hiệu nhận xét thiếu “đắt”, vui, dí dỏm so với thời gian trước. Sự mệt mỏi đã nhiều lần xuất hiện trên gương mặt danh hài và anh hay nói khái quát, chung chung kiểu: “Chú rất thích con”, “Con diễn quá hay” (trong “Gương mặt thân quen nhí”) hay “lực lượng tương quan cũng đồng đều”, “cảm ơn bạn đã cho khán giả tiết mục thú vị”, “tôi thấy cách xử lý đã tốt nhưng vẫn còn thiếu gì đó” (“Ơn giời, cậu đây rồi!”).

     

    Quay đi quay lại, nhưng nghệ sĩ hài thì cũng có chừng đó thôi, quanh đi quẩn lại vẫn Chí Tài, Trường Giang, Hiếu Hiền, Bạch Long, Thu Trang, Thúy Nga, Việt Hương... Họ xuất hiện nhiều nên tất nhiên khó tránh khỏi những bị “khớp”, bí hành động và cả ngôn từ sao cho phù hợp với từng loại chương trình.

     

    Cảnh trong show “Ơn giời, cậu đây rồi!” bị nhiều khán giả cho là “thô”.     Ảnh: TL

     

    Tại các chương trình hài thực tế, hay gọi là hài có tính ứng tác thì ranh giới mong manh giữa cười “thanh” và cười “tục” càng dễ bị phá bỏ. NSƯT Tự Long cho rằng: “Hài ứng tác là một thể loại tưởng dễ nhưng vô cùng khó với tất cả các nghệ sĩ, cho dù bản lĩnh sân khấu của họ dày dặn đến đâu, vì không ai biết trước mình sẽ rơi vào tình huống nào để mà xử lý. Vì vậy để có thể làm được thành công một tiết mục hài ứng tác, nghệ sĩ vừa phải phát huy được sở trường của mình nhưng cũng phải hết sức tỉnh táo để kiểm soát hành động, lời nói để không rơi vào sự quá đà, gây phản cảm”.

     

    Bên cạnh đó, người tham gia chương trình phải có nền tảng tốt về văn hóa ứng xử và những kiến thức rộng về văn hóa, xã hội. Đặc biệt phải thông minh, sáng tạo và có khiếu hài hước. Nếu không sẽ tạo ra những tình huống  có tác dụng ngược.

     

    Nhưng vấn đề ở đây không chỉ là sự phụ thuộc vào nghệ sĩ hài. Dường như chúng ta đang có chút nhầm lẫn giữa việc: Ứng tác và truyền hình thực tế không có kịch bản. Trên thực tế không có một chương trình truyền hình nào lại không có kịch bản. Chỉ khác nhau là người ta đã “dự liệu” được bao nhiêu phần trăm kịch bản trong chương trình đó mà thôi. Người chơi có thể không biết, nhưng người dựng tình huống có thể đã biết và bản lĩnh của họ là phải lèo lái người “ngoại đạo” kia đi vào trong “quỹ đạo” vốn có – đây là trong trường hợp của các show giống như “Ơn giời, cậu đây rồi”.

     

     

    Còn với các chương trình đã có kịch bản và được dàn dựng từ trước như “Cặp đôi hoàn hảo” thì vì sao sự sáng tạo tiếng cười thô và phản cảm của cặp đôi Nam Cường – Quế Vân vẫn được lên sóng khi trước các đêm tường thuật trực tiếp, các tiết mục chắc chắn đã được kiểm soát nhiều lần? Ở đây, rõ ràng đơn vị sản xuất và đơn vị phát sóng phải có trách nhiệm.

     
     
    Theo Pháp luật & Xã hội